Du học Phần Lan rất rộng mở với bạn trẻ Việt Nam, chỉ tiếc là chưa được nhiều người biết tới. Bà Mai Renko, một Việt kiều định cư gần 30 năm ở Phần Lan cho biết
“Nguồn tài nguyên” chưa được khám phá
Mùa thu năm nay, dù rất bận việc nhưng hàng tuần bà Mai Renko vẫn ưu tiên dành thời gian để lên mạng xã hội truyền thông về cơ hội du học ĐH và thạc sĩ ở Phần Lan cho các bạn trẻ Việt Nam.
Gần đây nhất, bà Mai Renko nhờ cộng đồng mạng chia sẻ về cơ hội du học các ngành international business (kinh doanh quốc tế), nursing (điều dưỡng), business IT (CNTT trong kinh doanh), hospitality and tourism management (quản trị nhà hàng, khách sạn và du lịch), Energy engineering (công nghệ năng lượng).
Hạn chót nộp hồ sơ là 14.9, để kịp nhập học vào học kỳ mùa xuân tới (tháng 1.2023). Bà Mai kêu gọi ứng viên hãy liên hệ, inbox ngay với bà “để được hỗ trợ, tư vấn hoàn toàn miễn phí”.
Bà cũng cho biết, ngày 1.9 này sẽ tổ chức một buổi thông tin trực tuyến từ Phần Lan về cơ hội du học hệ cử nhân năm 2023.
Bà Mai Renko là một Việt kiều định cư ở Phần Lan từ 30 năm nay, đã 3 lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam vì có nhiều đóng góp, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và giáo dục Phần Lan – Việt Nam.
Trong hoạt động giáo dục, bà Mai Renko đã có công giới thiệu được hệ thống giáo dục ĐH ở Phần Lan tới nhiều bạn trẻ, giúp họ chớp được các cơ hội du học Phần Lan với chi phí thấp nhất, để ngay cả những gia đình có mức thu nhập trung bình khá ở Việt Nam cũng có thể đáp ứng nhu cầu học ĐH chất lượng cao ở Phần Lan.
Nhưng theo bà Mai, số bạn trẻ Việt Nam mà bà giúp được để sang Phần Lan du học còn rất nhỏ nhoi so với khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế của các trường ĐH ở đất nước có nền giáo dục ĐH rất phát triển này.
“Nếu đã thực sự muốn du học thì hầu hết học sinh có học lực vào loại khá trở lên đều có cơ hội được tiếp nhận. Thậm chí còn dễ hơn cả đi học ĐH ở trong nước, vì đây là đất nước có chính sách tiếp cận giáo dục ĐH “mở”, đánh giá – thi cử cũng không đánh đố”, bà Mai chia sẻ.
Bà Mai nêu ý kiến:
“Hơn hết cả, lý do để Phần Lan nên được xem là địa chỉ du học được tìm kiếm hàng đầu với các bạn trẻ Việt Nam, là bởi Phần Lan nhiều năm là quốc gia hạnh phúc nhất – an toàn nhất thế giới; là nơi lý tưởng cho phụ nữ và trẻ em sinh sống.
Phần Lan được đánh giá là tốt nhất về tác động đổi mới và không gian “xanh” toàn cầu. Đây cũng là một trong những nước hàng đầu thế giới về chỉ số tiến bộ xã hội (về nhu cầu cơ bản của con người, nền tảng phúc lợi, cơ hội), dẫn đầu về các hạng mục dinh dưỡng và chăm sóc y tế cơ bản; tự do và lựa chọn cá nhân; nơi trú ẩn; quyền cá nhân; tiếp cận thông tin và truyền thông”.
Chi phí học tập “dễ chịu”
Bà Mai cho biết, kể từ kỳ nhập học mùa thu 2017, các trường ĐH Phần Lan đã bắt đầu thu học phí đối với những sinh viên không thuộc khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Tùy trường, chuyên ngành và bậc học mà sinh viên quốc tế du học Phần Lan sẽ đóng các mức học phí khác nhau. Những chương trình cử nhân được giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí tối thiểu là 4.000 EUR/năm và phổ biến tầm 7.000 – 10.000 EUR/năm.
Tuy nhiên, đã được ĐH Phần Lan nhận học thì sinh viên quốc tế thường đều có học bổng, chí ít cũng phải 10%, nhiều trường hợp lên đến 100% học phí (sinh viên chỉ phải lo chi phí ăn ở, sinh hoạt…). Nhờ thế mà chi phí học ĐH ở Phần Lan trở nên “dễ chịu”. Chính sách học phí và học bổng do các trường tự quyết khác nhau. Học bổng có thể được ngay từ năm nhất và từ năm hai trở đi dựa trên thành tích học tập năm trước của sinh viên.
Ngoài ra, một số trường ĐH Phần Lan còn áp dụng chương trình giảm học phí dành cho sinh viên quốc tế xác nhận và đóng học phí năm đầu tiên trong thời gian quy định. Mức giảm này có thể lên đến gần 50% học phí.
Nhiều bạn trẻ vừa đi học, vừa đi làm để tự trang trải sinh hoạt phí
Sinh viên quốc tế muốn xin visa du học Phần Lan cần chứng minh có ngân sách tối thiểu 6.720 EUR dành cho chi phí sinh hoạt trong vòng 1 năm tại nước này. Khoản này là căn cứ vào mức chi tiêu trung bình hàng tháng của sinh viên, 560 EUR/tháng.
Thực tế cho thấy, chi tiêu của mỗi sinh viên từ 500 – 800 EUR/tháng, bao gồm tiền thuê nhà (khoản này thường chiếm 50% chi phí sinh hoạt hàng tháng). Những thành phố có mức sống đắt đỏ như thủ đô Helsinki, Tampere, Jyvaskyla, Oulu… thì chi phí sinh hoạt sẽ ở mức cao trong “khung” vừa nêu. Còn ở một số thành phố khác, nếu sinh viên có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì có thể chỉ cần 310 – 525 EUR/tháng.
Chi phí ăn uống hàng tháng của mỗi du học sinh quốc tế ở Phần Lan thường hết khoảng 260 EUR, nếu sinh viên tự nấu ăn. Chi phí đi lại hết khoảng 35 – 50 EUR/tháng nếu mua vé tháng phương tiện giao thông công cộng.
Sinh viên quốc tế du học Phần Lan được phép làm thêm tối đa 30 giờ/tuần trong kỳ học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Với mức lương trung bình từ 6 đến 15 EUR/giờ tùy công việc và nơi làm việc, nhiều sinh viên “tự xoay xở” được khi học ở Phần Lan, không phải xin tiền bố mẹ.
“Để giúp các em không quá phụ thuộc tài chính vào việc đi làm thêm, vì điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng học tập, tốt nhất là các gia đình cố gắng chuẩn bị ngân sách phù hợp trước khi cho con du học”, bà Mai tư vấn.
Một ưu thế nổi trội của việc chọn du học ở Phần Lan là cơ hội làm việc và định cư sau khi học xong các chương trình ĐH, thạc sĩ là rất cao. Do dân số ít, sự già hóa dân số đang diễn ra nhanh khiến Phần Lan đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nên đất nước này cho phép sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp được ở lại 2 năm để tìm việc.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh thường là những chương trình thuộc những lĩnh vực có nhu cầu lao động cao, nên tìm việc làm phù hợp với nghề đã được đào tạo ở Phần Lan của du học sinh gặp nhiều thuận lợi.
Các trường ĐH Phần Lan hiện nay cung cấp hơn 400 chương trình ĐH và sau ĐH giảng dạy bằng tiếng Anh. Hệ thống giáo dục bậc cao của Phần Lan gồm 2 loại trường với định hướng giáo dục khác nhau.
ĐH khoa học ứng dụng là những trường đào tạo theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp cụ thể, có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động. Loại hình trường này đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ. Thời gian học cử nhân kéo dài 3,5 – 4 năm và thạc sĩ 1,5 – 2 năm.
ĐH truyền thống, hay còn gọi là ĐH nghiên cứu, tập trung vào nghiên cứu khoa học và phát minh, phát triển, đào tạo 3 trình độ: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Thời gian học cử nhân kéo dài 3 năm, thạc sĩ 2 năm tiếp theo
Theo Thanh Niên